Tác dụng kỳ diệu của cây xanh trong việc thanh lọc không khí, làm đẹp cho các công trình kiến trúc hẳn đã nhiều người biết nhưng một nghiên cứu mới đây của trường Đại học hàng đầu tại Hà Lan thậm chí đã chứng minh được rằng cây xanh còn có thể giảm lượng cortisol (một loại hormone gây stress). Bởi vậy, sở hữu không gian vườn cũng có ảnh hưởng tuyệt vời như thiền hay yoga vậy!
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của các gia đình trong thành phố chính là diện tích nhà ở rất hạn chế và thường phải chấp nhận các công trình khép kín để đảm bảo riêng tư. Nhưng suy nghĩ cũ kỹ cho rằng chỉ những ngôi nhà rộng mới có thể dựng ngoại cảnh sân vườn. Trong sổ tay ý tưởng này, bạn sẽ thấy 14 khu vườn mini xinh xắn vừa vặn với mọi công trình nhỏ hẹp, ngay cả các khu chung cư khép kín!
1. Chi tiết nhỏ tạo nên sự khác biệt
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều mẫu chậu cây cảnh đẹp mắt và một trong những giải pháp tuyệt vời để có một khu vườn trong nhà là tập trung nhiều chậu cây lại một khu vực. Treo chậu cây ở các độ cao khác nhau, sử dụng giá đỡ kim loại hay giá gỗ làm dàn leo… sẽ khiến thế giới cây xanh của bạn trở nên phong phú. Quan trọng hơn cả, bạn chỉ cần tận dụng một góc nhỏ trong góc ban công, giếng trời hay phòng bếp là đã có thể mang lại sức sống tươi mới cho cả gia đình.
Thiết kế đặt chậu cây theo tầng từ cao xuống thấp sẽ giúp tiết kiệm nhiều công sức và nước tưới khi chăm sóc cây cũng như hạn chế việc nước tưới làm ướt sàn nhà. Một cách khác giúp giảm chi phí là lựa chọn các loại chậu đất sét mộc không tráng men với tác dụng tương tự như loại chậu đắt tiền mà vẫn đẹp mắt.
2. Kết hợp cây xanh và các đồ nội thất thích hợp
Tất cả chúng ta đều mong muốn một không gian nhỏ trong nhà để nghỉ ngơi, thư giãn hoặc tiếp khách. Để có thể tận hưởng trọn vẹn nhũng điều đó, bạn hãy đầu tư những món đồ nội thất phù hợp nhất và thêm sức sống cho chúng bằng các chậu cây xanh.
Không nhất thiết phải là các chậu cây lớn, cồng kềnh hay cây cảnh cầu kỳ, khó chăm sóc mà đôi khi, vài khóm xương rồng hay lan Ý khỏe khoắn là đủ cho một khu vườn mini tuyệt vời. Đừng quên lót sàn bằng sỏi, ván… để tránh nước tưới làm hỏng sàn nhà và quét lá rụng thường xuyên để đảm bảo vệ sinh.
3. Xây bồn cây bê tông hoặc đá
Các chất liệu như bê tông, gỗ và đá là loại vật liệu khá hợp lý, dễ kiếm và bền chắc có thể tận dụng cho vườn nội thất bởi chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi rễ cây, nước tưới hay phân bón. Lựa chọn các loại cây hợp lý, có thể đặt cạnh nhau và thêm chút ít tiểu cảnh trang trí là đủ cho một khu vườn nội thất đẹp mắt rồi!
4. Ý tưởng không thể đơn giản và thiết thực hơn!
Tìm một góc hoặc không gian ngoài trời phù hợp, tốt nhất là trên sân thượng hoặc hành lang và đặt ba chậu cây cạnh nhau với những cây cao vừa phải hoặc cây bụi khỏe mạnh và tươi tắn sẽ khiến nhà bạn thực sự sống động và nghệ thuật.
Các loại cây trong chậu cần chăm sóc nhiều hơn trên đất vì chúng có ít dinh dưỡng hơn nhưng bạn không nên lo lắng. Điều đầu tiên là tìm một loại đất trồng thật chất lượng và trộn với xơ dừa. Bước tiếp theo là cân bằng giữa ánh sáng mặt trời, nước tưới và phân bón và mỗi loại cây cần một công thức riêng. Các loại cây trổ hoa sẽ cần nhiều ánh nắng mặt trời hơn cây thân mọng.
5. Trải sỏi, lát gỗ và đặt cây xanh ở khắp mọi nơi!
Nếu bạn có một không gian tách biệt để làm vườn, thật tuyệt vời! Hãy trải sỏi hoặc đá răm để tạo cảm giác về một khu vườn đích thực, lát gỗ làm lối đi và đặt cây ở mọi góc có thể. Tuy nhiên, yếu tố về sự hài hòa giữa đặc tính các loại cây, hệ thống tưới tiêu, chiều cao phù hợp và độ an toàn cho công trình là những điều quan trọng nhất cần cân nhắc.
6. Các cây dây leo
Các cây dây leo thường đòi hỏi cầu kỳ hơn một chút về chiều cao hoặc giàn leo nhưng nó sẽ là điểm nhấn độc đáo cho không gian vườn của bạn. Chẳng những mang đến sự khác biệt mà loại cây này còn che lấp được các khuyết điểm trong xây dựng như tường lở, màu sơn không đẹp mắt. Vì vậy, hãy chuẩn bị một giàn treo sát trần nhà và đón nhận một không gian vô cùng tự nhiên và hoang dã.
7. Một lựa chọn khác: chậu và lồng cây độc đáo
Một cách đẹp mắt khác để tận dụng các loại chậu cây treo là sử dụng vật liệu tái chế. Đây cũng là xu hướng sống xanh đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới.
Lồng chim cũ, lan can hỏng hoặc bất cứ dụng cụ nhà bếp nào như chai thủy tinh; cốc, chậu nhựa; chai cũ, lon kim loại hoặc ống nhựa PVC, dây xích hoặc dây thừng đều có thể trở thành đồ trang trí. Nếu bạn yêu thích phong cách vườn Nhật Bản, loại lồng cây Kodekama như hình sẽ là phương án tuyệt vời. Tuy nhiên, trước khi bắt tay thực hiện, hãy cân nhắc về độ tiện dụng và hệ thống tưới tiêu sao cho phù hợp để không ảnh hưởng tới sinh hoạt gia đình.
8. Khu vườn tách biệt với một cây cao chủ đạo
Trong các khu vườn mini, một sai lầm rất phổ biến là các chủ gia đình thường lựa chọn cây sai kích thước hoặc quá nhiều cây, gây ảnh hướng đến không gian và sinh trưởng của chúng. Quy luật của kiến trúc nội thất và tự nhiên là bạn cần phải đặt mọi thứ đúng chỗ và vừa vặn với chúng để đảm bảo tính hài hòa và ổn định.
9. Trang trí phòng khách với tiểu cảnh vườn
Tiểu cảnh vườn cầu kỳ thường là đặc quyền của không gian ngoại thất và việc đặt chúng trong nhà là điều khá lạ lùng. Tuy nhiên, mọi giới hạn đều có thể vượt qua. Các kiến trúc sư và nhà thiết kế hiện nay đều cố gắng kết nối không gian bên ngoài và bên trong để tạo ra cảm giác rộng rãi và linh hoạt hơn.
Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể dành ra một không gian trong phòng khách như phía sau ghế sofa hoặc trong một góc, chuẩn bị vài chậu cây nhỏ hoặc tiểu cảnh cầu kỳ đầy tính nghệ thuật để thỏa mãn nhu cầu tận hưởng thiên nhiên của gia đình.
10. Tận dụng thiên nhiên xanh tươi và kết hợp nhiều màu sắc
Thế giới thiên nhiên phong phú có hàng triệu màu sắc phong phú và hãy tận dụng chúng một cách khôn ngoan. Các sắc thái xanh khác biệt hay màu hoa rực rỡ sẽ biến vườn mini của bạn trở thành một khu rừng đích thực và đừng quên kết hợp màu của cây xanh với chậu cây sao cho hài hòa với tổng thể nội thất.
11. Chậu hoa mini cho bất cứ không gian trống nào
Với các không gian siêu hẹp của nhà ở công nghiệp, mọi cm2 đều được tận dụng cho các chức năng cơ bản và thật khó để áp dụng bất cứ thiết kế nào ở trên. Vì vậy, loại chậu cây đa năng này đã được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề đó.
Nếu bạn tập trung nhiều chậu trong cùng một khu vực theo cùng một độ cao hay lượn sóng hài hòa, cách bài trí nội thất công nghiệp sẽ được làm mềm đi đáng kể cũng như diện tích hẹp được thanh lọc thoáng đãng hơn nhờ cây xanh. Với loại chậu cây mini này, xương rồng và các cây thân mọng vừa khỏe khoắn vừa dễ chăm sóc là lựa chọn lý tưởng.
12. Vườn nội thất ốp gạch men
Các khu vườn nhỏ ở ngoại ô hay khu vực trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thường được ốp gạch men bóng hoặc thô để tôn lên vẻ đẹp của chúng và thiết kế tương tự với vườn nội thất sẽ mang đến cảm giác như bạn đang sở hữu một thiên đường tại gia vậy!
Nếu bạn sống trong một căn hộ chung cư cao tầng luôn khô ráo, nên trồng cây trong các chậu cảnh có thể trữ nước. Ngược lại, nếu nhà bạn ở độ cao thấp và thường xuyên ẩm ướt, hãy lát sàn gỗ công nghiệp để tránh cây bị úng và chọn các cây ưa nước như hoa lan và dương xỉ. Ngoài ra, không gian ngoài trời sẽ khiến các lựa chọn của bạn phong phú hơn như hoa oải hương, cây ăn quả thấp hoặc hoa húng quế. Hãy nhớ vệ sinh lớp kính và gạch men thường xuyên để tránh nấm mốc gây hại.
13. Gầm cầu thang
Gầm cầu thang là một không gian tuyệt vời để trang trí bằng cây xanh nhưng bạn nên cân nhắc lựa chọn loại cây phù hợp với không gian tối, ẩm và hẹp này. Một số loại cây như thường xuân, lưỡi bò, trầu bà, cúc tần hay huyết giác là lựa chọn không tồi. Nếu chiều cao của cầu thang hơn 1m5, cây cọ, cây bụi, đài phun nước hoặc tác phẩm điêu khắc sẽ làm phong phú thêm không gian nội thất.
14. Vườn dọc lối đi
Để có một khu vườn xinh xắn mà không tốn kém, bạn có thể đào các rãnh đất hẹp dọc lối đi và khoanh vùng chúng bằng gạch men lát. Bạn sẽ hoàn toàn tiết kiệm được rất nhiều thời gian thi công, lựa chọn chậu cây hay xây bồn cũng như chi phí bảo trì, tưới tắm và chăm sóc.
Nguồn: homify.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét